– Gelotophobia hay còn được gọi là hội chứng sợ trở thành đối tượng của trò cười. Đối với những ai không có nhu cầu tìm hiểu chuyên sâu thì có thể hiểu một cách dân dã từ “hội chứng” tương đương như từ “bệnh tâm lý” cũng được.
– Vào năm 1995, nhà trị liệu tâm lý người Đức Michael Titze chợt nhận ra mình có nhiều bệnh nhân rối loạn lo âu có những điểm chung về cảm giác xấu hổ và tập trung thái quá hoặc sợ hãi thái quá tới việc bị người khác cười nhạo. Ông quyết định đặt tên cho nó là Gelotophobia (Gelo theo ngôn ngữ Hy Lạp có nghĩa là cười, phobia có nghĩ là nỗi sợ).
– Bởi vì một trong những đề tài lớn mà tôi quan tâm chính là hiện tượng bắt nạt tinh thần học đường thông qua hình thức trêu chọc nên tôi đặc biệt lưu tâm tới hội chứng này.
– Tôi rất thích cách mà tác giả Dana Castro định nghĩa về bệnh trầm cảm trong cuốn Tâm lý học lâm sàng “trầm cảm thực ra không phải một chứng bệnh mới mà đã được biết từ lâu ở trong dân gian với tên gọi khác là chứng buồn chán dai dẳng lâu ngày”. Nên bản thân tôi cũng đã sử dụng cách tiếp cận này đối với hội chứng Gelotophobia, thứ mà tôi cho rằng cũng không mới mẻ, và có thể được hiểu hoàn toàn trọn vẹn một cách dân dã là những người sợ hãi thái quá việc bị người khác trêu đùa.
– Và một cách không thể ăn ý hơn thì Michael Titze cũng đã sớm thu thập đủ các dữ liệu để công bố thêm 2 hội chứng khác là: những người thích bị người khác trêu chọc (Gelotophilia) và những người thích thú trêu chọc người khác (Katagelastica). Và riêng 2 ông này va vào nhau thì đúng là một cặp bài trùng. Một đứa thì đùa thái quá, một đứa thì thích thú quá mức việc bị trêu đùa.
– Những người Gelotophobia được cho là có đặc điểm hướng nội không ổn định và loạn thần kinh (theo Ruch & Proyer, 2009). Điều này không có gì ngạc nhiên.
– Kém duy trì mối quan hệ lãng mạn hay còn gọi là khó yêu đương. Nhiều khả năng là sẽ chung thủy với sự độc thân.
– Có những đặc điểm của kiểu gắn bó né tránh và như vậy thì không tốt chút nào (Bạn có thể tìm hiểu thêm với từ khóa là thuyết gắn bó).
– Là người có lòng tự trọng thấp. Tức là kiểu người dễ bị xao động bởi lời nhận xét của người khác và rụt rè. Hay suy diễn sai lầm ở bản thân và có niềm tin vô lý rằng bản thân mình có nhiều khuyết điểm.
– Có nhiều điểm chung với chứng lo âu xã hội nhưng có những điểm rất khác và có thể phân biệt được. Có thể hiểu nôm na như một dạng bệnh nhẹ hơn.
– Hội chứng phát triển đạt đỉnh ở lứa tuổi thiếu niên (điều quá dễ đoán luôn) và giảm dần khi về tuổi 30, sau đó duy trì ổn định tới hết cuộc đời.
– Việc chẩn đoán dựa nhiều vào việc quan sát và kinh nghiệm của nhà trị liệu, và nếu muốn hỗ trợ thêm thì cũng có bài test GELOPH-15 do Ruch và Proyer xây dựng năm 2008.
– Tác giả Titze rất vui vẻ cung cấp cho chúng ta một dấu hiệu mà ông cho là rất đặc trưng, và ông rất vui vẻ được đặt tên cho nó tận 2 lần là phản ứng mặt gỗ và cẩn thận đặt thêm tên lần nữa là hội chứng khuôn mặt Pinochio. Những người Gelotophobia sẽ trở nên bất động hoặc ngượng nghịu một cách khô cứng khi bị trêu chọc.
– Titze đã suy đoán rằng mầm mống của chứng sợ gelotophobia được gieo vào thời thơ ấu thông qua sự phát triển của “sự xấu hổ cơ bản” và sự thất bại trong việc kết nối với những người chăm sóc. Điều này dẫn đến việc không có khả năng dự đoán và hiểu những kỳ vọng chuẩn mực của bạn bè đồng trang lứa.
– Tóm lại: Gelotophobia thuộc về một chẩn đoán của tâm lý học lâm sàng, một dạng lĩnh vực liên ngành có nhiều sự can dự của y khoa. Tôi không khuyến khích ai tự chẩn đoán mình để phân loại mình thuộc nhóm Gelotophobia hay Gelotophilia hay Katagelastica. Giá trị của bài viết này, tôi khuyến nghị nên được dùng như một dạng bằng chứng về việc thứ gì thái quá cũng không tốt và bất kì ai cảm thấy khó chịu về việc bị trêu đùa hay định quy kết ai thì cũng nên cân nhắc lại việc bản thân liệu có đang quá nhạy cảm hay quá vô độ hay không.
Để lại một bình luận